Tin tức

BÍ KÍP “VÀNG” GIÚP LÁI XE BAN ĐÊM AN TOÀN 99.9%

Những tình huống rủi ro và nguy hiểm bất ngờ có thể dẫn đến tai nạn khi lái xe ban đêm chắc hẳn là điều mà người cầm lái luôn nhận thức rõ nhất qua những chuyến đi thực tế của mình. Đây không chỉ là trải nghiệm cá nhân của tài xế mà đã được xác thực thông qua những con số, rằng số vụ tai nạn xảy ra trong khoảng từ 18:00 tối - 6:00 sáng thường lớn hơn gấp 2 - 3 lần so với ban ngày*.

(*) Theo thống kê của Ủy ban an toàn giao thông quốc gia.

Tổng hợp các bí kíp “vàng” giúp lái xe ban đêm an toàn

Tổng hợp các bí kíp “vàng” giúp lái xe ban đêm an toàn

Vậy để giúp quý anh chị em tài xế lái xe an toàn hơn vào ban đêm, giảm thiểu tối đa rủi ro đi đường, Dothanh Auto xin tổng hợp và chia sẻ các những bí kíp “vàng” lái xe ban đêm ngay trong bài viết sau đây.

Những vấn đề và tình huống nguy hiểm thường gặp khi lái xe ban đêm

1. Tầm nhìn và khả năng quan sát bị hạn chế

Việc bị hạn chế tầm nhìn và khả năng quan sát là một trong những vấn đề khó tránh khỏi khi lái xe ban đêm. Dù rằng trên các phương tiện giao thông hầu hết đều có trang bị những thiết bị đèn chiếu sáng, đèn báo hiệu hỗ trợ nhưng vẫn tồn tại những khoảng không nằm ngoài tầm quan sát, đặc biệt là đối với góc nhìn xa. Chính vì vậy sẽ khiến cho tài xế gặp khó khăn hơn khi điều khiển xe và nhận biết các tình huống xấu trên đường.

2. Bị lóa mắt do ánh đèn của xe chạy ngược chiều

Khi di chuyển trên đường vào ban đêm, các bác tài không hiếm gặp tình trạng các phương tiện chạy ngược chiều pha đèn ngang tầm mắt gây nên hiện tượng bị lóa mắt, chói mắt tạm thời. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng quan sát ngay tại thời điểm đó và tốc độ xử lý tình huống của tài xế khi các xe đã ở khoảng cách ngày càng gần, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn cao.

3. Người, phương tiện hoặc động vật đột ngột băng ngang

Dù lái xe ban đêm hay ban ngày thì tình huống có người, xe hay động vật đột ngột băng ngang đường đều khiến cánh tài xế có một pha “thót tim” và buộc phải có hướng xử lý kịp thời để đảm bảo an toàn cho bản thân và các phương tiện khác đang trong luồng giao thông. Tuy nhiên, tình huống vào ban đêm thường sẽ phức tạp hơn và rất dễ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.

4. Lái xe ban đêm rất dễ buồn ngủ, thiếu tập trung

Với thời tiết mát mẻ cùng với sự tĩnh lặng vào ban đêm, đặc biệt khi đi cao tốc hay qua những đoạn đường vắng sẽ khiến các bác tài rất dễ mất tập trung và buồn ngủ. Hậu quả dẫn đến là không ít vụ tai nạn đáng tiếc vào ban đêm thực sự đã xảy ra, mà nguyên nhân chính bởi người lái ngủ quên và không còn đủ tỉnh táo để chủ động điều khiển tay lái của mình.

Tài xế bị buồn ngủ, mất tập trung khi lái xe ban đêm

Tài xế bị buồn ngủ, mất tập trung khi lái xe ban đêm

Những kinh nghiệm lái xe ô tô ban đêm an toàn

1. Nắm rõ lộ trình trước khi khởi hành

Tài xế lái xe ban đêm cần nắm rõ lộ trình đi để chủ động tay lái hơn và tránh việc đi nhầm đường bởi khả năng quan sát tại nút giao, ngã rẽ và các biển báo có thể bị giới hạn. Việc trang bị hệ thống công nghệ định vị, bản đồ chỉ dẫn là một cách thông minh của thời đại. Nó giúp ích rất nhiều cho tài xế trên nhiều phương diện như: nhận biết sớm hướng di chuyển tiếp theo; ước tính khoảng cách đến nút giao gần nhất hoặc các điểm dừng chân; linh hoạt hơn trong trường hợp có sự cố bất ngờ, buộc phải thay đổi lộ trình;...

2. Giữ gìn “3 Sạch” hỗ trợ lái xe an toàn ban đêm

Nhằm tối ưu tầm nhìn tốt nhất vào ban đêm, tài xế trước khi bắt đầu hành trình nên vệ sinh sạch sẽ 3 phần của xe, bao gồm:

  • Kính: Kính chắn gió và kính 2 bên cửa xe.
  • Gương: Gương chiếu hậu 2 bên, gương chiếu hậu trong xe, gương chiếu hông xe, gương chiếu đầu xe.
  • Đèn: Cụm đèn chiếu sáng pha/cos, đèn sau xe, đèn tín hiệu,...

3. Áp dụng “quy tắc đèn” pha/cos linh hoạt khi lái xe ban đêm

Các bác tài lái xe lâu năm thường sẽ có kha khá các kinh nghiệm lái xe ô tô vào ban đêm liên quan đến việc sử dụng đèn xe, có thể kể đến như sau:

  • Bật chế độ đèn cos: Khi lái xe vào nội thành, khu dân cư; Khi gặp xe đi ngược chiều; Trong đoạn đường có dải phân cách thấp dưới tầm đèn xe hoặc được phân cách bởi vạch kẻ nét liền/nét đứt;… 
  • Bật chế độ đèn pha: Trên đường trường, đường cao tốc (có dải phân cách cao hơn tầm đèn xe); Trong khu vực vắng, đường thoáng có ít phương tiện qua lại thì dùng đèn pha để tăng khả năng quan sát tầm xa.
  • Trường hợp nên nháy đèn: Khi muốn vượt xe cùng chiều phía trước, tài xế nên nháy đèn để ra tín hiệu xin đường; Trước khi vào cua, nếu không thấy có xe đi ngược chiều thì tài xế có thể nháy đèn pha để quan sát góc rộng bao quát và phải nhanh chóng chuyển về chế độ cos.
  • Khi thấy xe đối diện nháy đèn: Trong trường hợp này, các bác tài hãy “tinh ý” kiểm tra lại chế độ đèn đang bật của xe mình, nếu đang mở đèn pha thì lập tức chuyển sang đèn cos để không làm lóa mắt bác tài của xe đối diện.
  • Lái xe ban đêm gặp trời mưa: Theo kinh nghiệm lái xe ô tô lâu năm của các bác tài, khi đi đường ban đêm gặp trời mưa nên sử dụng đèn cos thay vì đèn pha. Nguyên nhân là bởi trong điều kiện mưa, ánh sáng đèn pha do cường độ sáng cao sẽ dễ bị phản xạ lại làm cho khả năng quan sát của mắt kém hơn.

4. Không nhìn trực diện vào đèn pha của xe chạy ngược hướng

Dù quy định về việc sử dụng đèn pha/cos đã được nêu rõ trong Luật giao thông đường bộ, song người tham gia giao thông vẫn không hiếm gặp hành vi thiếu ý thức của người lái xe đi ngược chiều pha thẳng đèn vào mình.
Cách giải quyết trong trường hợp này là khi bạn bị chói mắt hãy chớp mắt và nhanh nhìn sang hướng khác khi xe đối diện di chuyển ngày càng gần, tuyệt đối không nhìn trực diện vào đèn pha. Việc này sẽ làm giảm bớt tác động bởi ánh sáng mạnh của đèn pha, giúp bạn nhanh chóng lấy lại khả năng quan sát. Song song với đó, hãy kết hợp với giảm tốc độ xe để đảm bảo an toàn nhé!

Kinh nghiệm lái xe ban đêm an toàn: Không nhìn trực diện vào đèn xe chạy ngược chiều

Kinh nghiệm lái xe ban đêm an toàn: Không nhìn trực diện vào đèn xe chạy ngược chiều

5. Cảnh giác với người, động vật, phương tiện đột ngột băng ngang đường

Khi điều khiển xe vào ban đêm có thể gặp những tình huống bất ngờ như xuất hiện người, động vật, phương tiện đột ngột băng ngang đường. Trong đó, trường hợp gặp động vật sẽ thường khiến người cầm lái khó kiểm soát nhất bởi chúng không hiểu được các tín hiệu đèn hay còi xe và rất dễ bị hoảng loạn khi xe lao đến. Vì thế, bạn hãy thận trọng, chú ý quan sát hơn ở các tuyến đường đông người (như nội thành, khu dân cư, trường học,...) hoặc khu vực nông thôn, rừng núi có khả năng có động vật chạy ra đường. Đồng thời bạn cũng nên chủ động giảm tốc độ và nhường đường trong trường hợp cần thiết để đảm bảo an toàn.

Kinh nghiệm lái xe ô tô an toàn khi gặp động vật

Kinh nghiệm lái xe ô tô an toàn khi gặp động vật

>> Xem thêm: Top 12 Câu Cửa Miệng Cực Hay Của Tài Xế Lâu Năm
 

6. Đừng để quá nhiều nguồn sáng trong xe ô tô

Điều chỉnh các nguồn sáng trong xe cũng là một trong những kinh nghiệm lái xe ô tô hay được nhiều tài xế áp dụng khi di chuyển vào ban đêm. Cụ thể, bạn không nên để quá nhiều nguồn sáng trong xe và độ sáng của các thiết bị trong xe nếu có thể cài đặt thì hãy để ở mức vừa phải. Lợi ích của việc này là nhằm ngăn đồng tử mắt bị co lại khi mắt tiếp nhận nhiều nguồn sáng dư thừa, từ đó giúp dễ dàng quan sát đường và tập trung lái xe tốt hơn.

7. Dừng xe và nghỉ ngơi ngay khi có dấu hiệu buồn ngủ, mệt mỏi

Trạng thái kém tỉnh táo khi lái xe ban đêm như mệt mỏi, ngủ gật thường là nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng. Vì vậy, các tài xế đừng bao giờ chủ quan khi thấy bản thân bắt đầu mệt mỏi và bị mờ mắt bởi cơn buồn ngủ. Lời khuyên là hãy tiến hành dừng đỗ xe an toàn theo đúng quy định vào lề đường hoặc hàng quán ven đường. Sau đó chợp mắt và nghỉ ngơi để lấy lại năng lượng và đủ tỉnh táo để tiếp tục hành trình.

>> Xem thêm: Lái xe đường dài làm sao giữ an toàn, giảm mệt mỏi?
 

Trên đây là tổng hợp những “Bí kíp vàng” hy vọng sẽ giúp cho cánh tài xế đảm bảo an toàn hơn khi lái xe ban đêm. Nhân đây, DoThanh Auto xin kính chúc Quý khách hàng và các anh/chị tài xế thật nhiều sức khỏe và bình an trên vạn dặm!

backtop
Dịch vụ
Kinh doanh
Phụ tùng
Zalo
Hotline
Hotline
Hotline