Khi dịch vụ đăng kiểm Nhà nước sẽ định giá tối đa người dân được hưởng lợi
Bộ Giao thông Vận tải dự kiến đề xuất Chính phủ điều chỉnh hình thức định giá đối với dịch vụ kiểm định xe cơ giới từ “Nhà nước định giá cụ thể” sang giá trần “Nhà nước định giá tối đa”. Điều này đồng nghĩa với việc các trung tâm đăng kiểm được tự đưa ra giá cho dịch vụ này.
Khi dịch vụ đăng kiểm Nhà nước sẽ định giá tối đa người dân được hưởng lợi
Bộ GTVT cho biết, theo báo cáo của Cục Đăng kiểm, hiện nay thị trường cung cấp dịch vụ đăng kiểm xe cơ giới có 281 trung tâm đăng kiểm (TTĐK) thuộc nhiều thành phần kinh tế, hoạt động trên phạm vi toàn quốc, tại các vùng miền khác nhau.
Trong đó, các trung tâm thuộc khối tư nhân, đang hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp là 192/281 đơn vị (chiếm 68,3% tổng số các TTĐK).
Nghị định số 30/2023/NĐ-CP, Chính phủ đã giao thẩm quyền quy định giá dịch vụ kiểm định xe cơ giới cho Bộ GTVT trên cơ sở thống nhất với Bộ Tài chính. Tuy nhiên, nghị định này chưa điều chỉnh về hình thức nhà nước định giá tối đa hay giá cụ thể với dịch vụ kiểm định xe cơ giới.
Sau khi Nghị định này có hiệu lực, điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới đã được mở rộng, số lượng doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ kiểm định xe cơ giới có thể sẽ được tăng lên đáng kể do có sự tham gia của các trung tâm bảo hành, bảo dưỡng ô tô.
Khi đó, hoạt động cung cấp dịch vụ kiểm định xe cơ giới sẽ tiếp tục có sự cạnh tranh rộng hơn về cung cấp dịch vụ, giá cả theo cơ chế thị trường. Theo từng khu vực, vùng miền sẽ có chi phí cấu thành giá dịch vụ kiểm định khác nhau (thuê đất, chi phí nhân công, khấu hao thiết bị, chi phí quản lý…).
Tờ trình gửi Bộ Giao thông vận tải và Bộ Tài chính, Cục Đăng kiểm Việt Nam đề xuất điều chỉnh mức giá dịch vụ đăng kiểm từ 26 - 28% (tăng từ 50.000 đến 160.000 đồng/xe tùy theo nhóm xe).
Cục Đăng kiểm Việt Nam đề xuất điều chỉnh giá dịch vụ đăng kiểm từ 26 - 28%
Cụ thể, xe ô tô dưới 10 chỗ ngồi là 320.000 đồng/lần đăng kiểm (tăng 70.000 đồng/lần so với hiện hành); xe từ 10-24 chỗ ngồi và xe tải dưới 2 tấn là 370.000 đồng/lần (tăng 80.000 đồng); xe từ 25 - 40 chỗ ngồi, xe tải 2 - 7 tấn là 420.000 đồng/lần (tăng 90.000 đồng); xe trên 40 chỗ, xe buýt, xe tải từ 7 - 20 tấn, đầu kéo dưới 2 tấn là 460.000 đồng/lần (tăng 100.000 đồng); máy kéo, xe chở hàng 4 bánh gắn động cơ là 240.000 đồng/lần; xe tải và đầu kéo trên 20 tấn là 730.000 đồng/lần (tăng 160.000 đồng).
Mức giá dịch vụ đăng kiểm trên chưa gồm lệ phí cấp giấy chứng nhận đăng kiểm, phí này hiện áp dụng chung cho hết phương tiện là 50.000 đồng/lần, riêng xe ô tô dưới 10 chỗ ngồi là 100.000 đồng/lần.
Mức tăng này thấp hơn mức 45 - 50% như phương án giá dựa trên chi phí cần thiết theo đề xuất giá từ các trung tâm đăng kiểm. Nhà nước sẽ định giá tối đa. Điều này đồng nghĩa với việc các trung tâm đăng kiểm được tự đưa ra giá cho dịch vụ này.
Cục Đăng kiểm cho hay, việc điều chỉnh giá theo phương án trên đảm bảo phù hợp với các nguyên tắc điều chỉnh giá khi có biến động từ các yếu tố chi phí đầu vào. Đây cũng là phương án giá thấp nhất trong 3 phương án mà Cục Đăng kiểm nghiên cứu. Ngoài ra, biểu mức giá dịch vụ kiểm định xe cơ giới đang lưu hành mà Cục đề nghị điều chỉnh lần này sẽ là mức giá tối đa.
Các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới có giải pháp tiết kiệm chi phí, giảm giá thành dịch vụ để đưa ra các mức giá cạnh tranh trong mức giá trần đã được Nhà nước quy định, người dân và doanh nghiệp sẽ được lợi hơn.
Theo ông Trần Quốc Hoan - Phụ trách Trung tâm Đăng kiểm 2903V (Hà Nội), giá dịch vụ đăng kiểm hiện hành khá thấp. Do đó, đề xuất tăng giá dịch vụ kiểm định xe cơ giới trong bối cảnh hiện nay hoàn toàn hợp lý. Nhưng nếu áp dụng quy định áp giá trần dịch vụ đăng kiểm, nhiều trung tâm sẽ khó đảm bảo hoạt động bởi, hiện năng suất kiểm định của trung tâm mỗi ngày chỉ dao động từ 70 - 90 xe, giảm mạnh so với giai đoạn trước.
Trong khi đó, nhân sự được bổ sung ngày càng đông với 31 người. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ gặp khó khăn trong việc chi trả lương, hỗ trợ đời sống các đăng kiểm viên.
Ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, cho rằng: Cần nghiên cứu, xem xét quy định mức giá tối thiểu để ngăn các trung tâm đăng kiểm xây dựng phương án giá quá thấp. Khi các trung tâm ở khu vực ngoại ô hay ở các tỉnh không phải thuê đất hoặc thuê đất với giá rẻ có thể hạ giá dịch vụ thấp để “kéo khách”.
Như vậy, các trung tâm đăng kiểm trong thành phố khó đảm bảo cạnh tranh. Ngoài ra, mức tăng giá dịch vụ kiểm định cần dự đoán được xu hướng tăng giá của các yếu tố hình thành giá trong tương lai. Bởi nếu lấy thông số ở thời điểm hiện tại, có thể chỉ phù hợp trong khoảng thời gian ngắn, sau đó lại phải điều chỉnh.
Trước lo ngại, nếu không quy định giá sàn có thể dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, ông Nguyễn Tiến Thỏa - nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam, nhìn nhận: Cũng giống như giá vé máy bay, không quy định giá sàn sẽ tạo tính cạnh tranh giữa các đơn vị, từ đó có lợi cho người tiêu dùng. “Nếu cạnh tranh không lành mạnh đã có Luật Cạnh tranh xử lý”.
Nguồn tin tức: Báo điện tử Pháp luật & Xã hội